Một vài nét về chương trình môn Khoa học.

System Admin 15/01/2021 | 03:30 9418 2

     Bối cảnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển. Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu. Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hoá vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

     Mục tiêu đổi mới được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.”

VÀI NÉT GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC

1. Vị trí môn học

     Môn Khoa học là môn học bắt buộc ở tiểu học, được học ở lớp 4, 5 với thời lượng 70 tiết cho mỗi lớp.  Môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội (các lớp 1, 2, 3); tích hợp những kiến thức về vật lí, hoá học, sinh học và nội dung giáo dục sức khoẻ, giáo dục môi trường. Môn học đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh học tập môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học sơ sở  và các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học ở cấp trung học phổ thông.

     Định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đã được quán triệt trong tất cả các thành tố của chương trình Khoa học từ mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt, cũng như các định hướng về phương pháp, đánh giá.

2. Mục tiêu môn học

     Môn Khoa học góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển tình yêu con người, thiên nhiên; trí tò mò khoa học, hứng thú tìm hiểu thế giới tự nhiên; ý thức bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống. Môn học đồng thời góp phần hình thành và phát triển ở học sinh năng lực nhận thức thế giới tự nhiên; năng lực tìm tòi, khám phá con người và thế giới tự nhiên; năng lực vận dụng kiến thức khoa học giải thích các sự vật, hiện tượng tự nhiên, giải quyết các vấn đề đơn giản trong cuộc sống, ứng xử thích hợp bảo vệ sức khoẻ của bản thân và những người khác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường xung quanh.

3. Quan điểm xây dựng chương trình

     Trên cơ sở những định hướng chung và đặc trưng của môn học, Chương trình môn Khoa học nhấn mạnh tới các quan điểm xây dựng chương trình sau đây : Tích hợp; Tổ chức nội dung chương trình thành các chủ đề; Chú trọng tới sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập.

     Chương trình tổ chức nội dung thành các chủ đề, tích hợp kiến thức vật lí, hoá học, sinh học, trong đó hướng đến việc cung cấp cho học sinh những hiểu biết về môi trường tự nhiên; về con người, sức khoẻ và an toàn. Trong từng chủ đề, nội dung giáo dục giá trị và kỹ năng sống; giáo dục sức khoẻ, công nghệ, giáo dục môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai,... được đưa vào ở mức độ đơn giản và phù hợp. Chương trình chú trọng tới sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập, qua tìm tòi, khám phá, qua quan sát, thí nghiệm, thực hành, làm việc theo nhóm.

4. Nội dung giáo dục

     Nội dung giáo dục được tổ chức thành các chủ đề : chất; năng lượng; thực vật và động vật; nấm, vi khuẩn, virus; con người và sức khoẻ; sinh vật và môi trường. Những chủ đề này được phát triển từ lớp 4 đến lớp 5. So với chương trình hiện hành, chương trình tinh giản một số nội dung chưa thật sự thiết thực hoặc sẽ được học ở ngay các lớp đầu của THCS, đồng thời đưa vào, cập nhật một số nội dung thiết thực với học sinh. Chẳng hạn như: tinh giản các nội dung về vật liệu (các nội dung này sẽ được học trong môn Tin học và công nghệ ở tiểu học, đồng thời sẽ được học kĩ trong môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6); đưa vào nội dung học về đất; nấm, vi khuẩn, virus. Hoạt động tìm tòi khám phá kiến thức được làm rõ hơn trong chương trình, thể hiện qua các yêu cầu cần đạt trong mỗi mạch nội dung. Các kĩ năng tiến trình (như quan sát, dự đoán, giải thích, trình bày,…) được chú trọng hơn. Các yêu cầu vận dụng vào thực tiễn cũng được tăng cường.

5. Phương pháp giáo dục

      Để thực hiện mục tiêu đổi mới chương trình, chương trình Khoa học chú trọng tới đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực. Chương trình chú trọng tới tổ chức các hoạt động học tập tích cực của học sinh, tạo cơ hội cho học sinh học qua trải nghiệm. Tuỳ theo mục tiêu của mỗi bài học, mỗi chủ đề của môn khoa học, giáo viên có thể lựa chọn các kỹ thuật dạy học, phương pháp dạy học và các hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp. Để phát triển năng lực tìm tòi khám phá thế giới tự nhiên cho học sinh, chương trình chú ý tạo cơ hội để học sinh được đề xuất những câu hỏi và phát hiện vấn đề khi quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh hoặc khi tiến hành làm thí nghiệm; đưa ra dự đoán và nêu được cơ sở để đưa ra dự đoán; thiết kế được phương án thí nghiệm để kiểm tra dự đoán. Tạo cơ hội cho học sinh vận dụng các kiến thức, kỹ năng,... (từ các lĩnh vực khác nhau trong môn học cũng như với các môn học khác) đã học để giải quyết các nhiệm vụ học tập trong bối cảnh/tình huống mới gắn với thực tế cuộc sống, vừa sức với học sinh, qua đó phát triển năng lực giải quyết các vấn đề của các em,...

6. Đánh giá kết quả giáo dục

     Việc đánh giá trong dạy học môn Khoa học hướng tới mục tiêu môn học và nhằm thúc đẩy, cải thiện việc học tập của học sinh. Đánh giá không chỉ về hiểu biết kiến thức, mà cả đánh giá các kỹ năng, thái độ của học sinh trong học tập môn học. Chương trình cũng quan tâm hơn tới đánh giá các kĩ năng tiến trình khoa học như quan sát, tiến hành thí nghiệm, …; giải thích, vận dụng trong thực tiễn.

     Chương trình chú trọng tới sử dụng đa dạng các hình thức và công cụ khác nhau trong đánh giá như câu hỏi, bài tập, biểu mẫu quan sát, bài thực hành, dự án học tập, sản phẩm,... Tham gia đánh giá gồm giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá lẫn nhau, học sinh tự đánh giá. 

7. Điều kiện thực hiện chương trình

     Về nội dung chương trình : hệ thống kiến thức về cơ bản không thay đổi so với chương trình hiện hành. Một số kiến thức mới trong chương trình sẽ được chú trọng trong các tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng giáo viên để giúp giáo viên có thể thuận lợi trong tiếp cận chương trình mới.

     Trong dạy học môn Khoa học, phương tiện dạy học có vai trò rất quan trọng. Tuy vậy cũng như đối với chương trình Khoa học hiện hành, chương trình mới không đòi hỏi những phương tiện dạy học đắt tiền, hoặc những điều kiện thực hiện phức tạp. Phương tiện dạy học chỉ là các tranh ảnh, sơ đồ, mô hình, dụng cụ thí nghiệm đơn giản. Giáo viên cũng có thể sử dụng các đồ vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội xung quanh,... để dạy học.

     Chương trình môn Khoa học là chương trình mở, cho phép giáo viên được lựa chọn đối tượng học tập sẵn có ở địa phương để dạy học nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chương trình. Ngoài ra, Chương trình còn cho phép giáo viên có thể thay đổi thứ tự các chủ đề học tập, đặt ra các tiêu đề bài học trong mỗi chủ đề, xác định thời gian và điều chỉnh thời lượng học tập cho mỗi chủ đề cho phù hợp với thực tế địa phương, điều kiện cơ sở vật chất thiết bị của nhà trường. Chương trình cũng khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học bằng những vật liệu sẵn có ở địa phương và sử dụng công nghệ thông tin cũng như những phương tiện dạy học hiện đại khác (nếu có)...

Bình luận (2)