Câu hỏi thường gặp
Làm thế nào để thu hút người học trong suốt quá trình giảng dạy?

Tác phong của giảng viên là điểm nhấn quan trọng gây ấn tượng với người học ngay từ phút đầu tiên. Tác phong này không phải là hình thức bên ngoài đạo mạo, chuẩn chất mà là việc giảng viên phải thấu hiểu và biết cách biểu đạt phù hợp với những diễn biến tâm lý và mối quan tâm trong đời sống của sinh viên. Cụ thể, giảng viên sử dụng kỹ năng hài hước bằng ngôn ngữ mạng xã hội, thậm chí là trào phúng bằng lối nói nhại ngôn ngữ “nhạc thị trường”, showbiz, song chỉ dừng lại làm điểm nhấn chứ không lạm dụng quá nhiều.

Đối với đối tượng học viên là người đã đi làm, giảng viên phải đưa được ngôn ngữ chuyên ngành vào lời giảng, thể hiện kiến thức pháp luật về lĩnh vực mà học viên đang công tác.Phân tích, gợi mở thêm những vấn đề và câu chuyện sát sườn. Tác phong sẽ phản ánh năng lực của một giảng viên. Nhiều giảng viên không tự trau dồi kỹ năng sư phạm, lại còn hiểu sai lệch về cách xây dựng tác phong nên thường bày hết trò chơi này đến trò chơi khác trên lớp học hoặc bắt người học chịu trận “tiết mục” kể chuyện đời tư mà quên đi nghĩa vụ học thuật. Muốn gần gũi và thu hút học viên, chúng ta không cần phải cố tỏ ra hoạt náo.

Gặp thời khóa biểu nhiều môn học căng thẳng liên tiếp, sinh viên sẽ mệt mỏi, không còn tập trung được nữa, mặc dù giờ giảng của thầy/cô đến sau chỉ mới bắt đầu. Ở trường hợp này, chúng ta không nên tìm mọi cách cố gắng tỏ ra “thu hút” và ép buộc cảm xúc của người học. Khi gặp tình huống trên, giảng viên hãy dừng lại, cho người học thư giãn 10 phút. Sau đó, giảng viên nên tổ chức bài tập tình huống nhằm ôn lại kiến thức và giới thiệu chủ đề mới, cách làm này giúp giảm nhẹ phần lý thuyết.

Khi làm kế hoạch thì em phải theo đúng các nội dung trong mẫu 2 này hay đây chỉ là nội dung ví dụ. Hơn nữa, phần phê duyệt, em thấy để Sở phê duyệt đúng hơn (Vì em là cấp CBQL).

Sở sẽ phê duyệt (nếu thầy/cô là CBQL THPT), hoặc Phòng GD (nếu là THCS hoặc tiểu học). Bản kế hoạch cần có các hoạt động phù hợp với thực tế, quan tâm các GV vùng khó khăn không có internet,.. (mẫu chỉ là gợi ý), kèm theo danh sách CBQL đại trà được phân công. Có như vậy, thầy/cô mới biết rõ đang phụ trách ai, có các thông tin như ĐT, email để trao đổi hỗ trợ.

Công tác bồi dưỡng giữa chương trình hiện hành và chương trình giáo dục 2018 có gì khác nhau?

Chương trình hiện hành khi bồi dưỡng giáo viên không có chương trình tổng thể như chương trình 2018. Các giảng viên sư phạm đi bồi dưỡng đều dựa trên SGK. Ví dụ với tiểu học, giảng viên dựa trên bộ SGK tiểu học.

Còn với chương trình giáo dục 2018, trước khi bồi dưỡng, giáo viên phải nghiên cứu trước toàn bộ chương trình, từ chương trình tổng thể, chương trình môn học, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt được.

Nếu so sánh hai chương trình thì thấy kế hoạch bồi dưỡng chương trình 2018 quy củ hơn rất nhiều.

Và như vậy, từ cơ sở lý thuyết đến thực tiễn đối với giáo viên cũng hiệu quả hơn. Trước đây tôi cảm thấy giáo viên chỉ biết phần ngọn, bây giờ được xây dựng từ gốc đến ngọn.

Khi bồi dưỡng chương trình 2018, tôi nghĩ rằng cần lộ trình rất dài cho giáo viên thì mới đạt được mục tiêu đề ra, còn trước đây chỉ có một bộ SGK bồi dưỡng xong là giải quyết được tất cả.

Năng lực của giáo viên để tiếp cận kiến thức tập huấn như thế nào?

Giáo viên hiện nay đang theo lối mòn SGK nên kiến thức cơ bản nền tảng gần như bỏ quên.

Chương trình 2018 không có SGK khi tập huấn nên bắt buộc giáo viên phải tự xâu chuỗi các nội dung từ lớp 1 đến lớp 5. Đồng thời song hành với nó là phải có kiến thức về kỹ thuật dạy học. Giáo viên phải bước bằng “hai chân” là một thử thách.

Ở góc độ giáo viên tiểu học, tôi nhận thấy giáo viên của mình bị hổng một số vấn đề. Do đó, bây giờ bồi dưỡng phải dạy song hành cả kiến thức cơ bản và phương pháp dạy học.

Ở các mô đun tập huấn trước, tôi tập huấn môn Văn. Sang năm học mới, tôi được phân công (dự kiến) sẽ dạy Lịch sử - Địa lí lớp 6. Bởi vậy, tôi muốn chuyển sang tập huấn môn Lịch sử - Địa lí thì làm như thế nào?

Kính thưa thầy/cô. Theo quy định của ETEP, GV cốt cán hoặc đại trà muốn đổi môn học thì phải hoàn thành môn học muốn đổi ở mô đun trước.

Nếu thầy/cô là GV cốt cán muốn đổi sang môn Lịch sử - Địa Lí thì cô cần hoàn thành mô đun 1,2,3 môn Lịch sử - Địa Lí rồi mới tiếp tục học các mô đun tiếp theo.

Nếu thầy/cô là GV đại trà thì cần hoàn thành mô đun 1,2 môn Lịch sử- Địa lí trước khi học mô đun 3.

Năm 2021 này, GV đại trà sẽ chọn 3 trong 4 mô đun ( 3,4,5,9) để tự bồi dưỡng.

Mô đun 3 “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”;

Mô đun 4 “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT”;

Mô đun 5 “Tư vấn và hỗ trợ học sinh tiểu học/THCS/THPT trong hoạt động giáo dục và dạy học”;

Mô đun 9 “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học/THCS/THPT”.

Giáo viên môn Tiếng Anh, có phải tham gia bồi dưỡng theo chương trình ETEP không? Vì hiện tại, chưa thấy có môn tiếng Anh trong các mô đun 1 và 2.

Chương trình ETEP không bồi dưỡng giáo viên môn Tiếng Anh và môn Giáo dục quốc phòng. Môn Tiếng Anh được bồi dưỡng riêng theo Đề án Ngoại ngữ 2020. Vì vậy, nếu các thầy cô chỉ dạy môn Tiếng Anh ở trường phổ thông thì không phải tham gia học các môn đun bồi dưỡng theo Chương trình ETEP.

Tuy nhiên, một số địa phương phân công giáo viên Tiếng Anh tham gia dạy Hoạt động trải nghiệm, nếu thầy/cô giảng dạy Hoạt động trải nghiệm thì cần tham gia bồi dưỡng theo ETEP về Hoạt động trải nghiệm.

Tôi ở thành phố Gia Nghĩa-Đắk Nông được phân công hướng dẫn môn lịch sử và địa lí cấp THCS, vậy làm sao để xem và hướng dẫn, chấm bài của giáo viên đại trà tập huấn trên Hệ thống LMS

Chúng tôi kiểm tra trên hệ thống, hiện tại tài khoản của quý thầy cô chưa được phân lớp để tham gia hỗ trợ đồng nghiệp nên quý thầy cô chưa thấy được danh sách lớp hỗ trợ cũng như các bài tập của GVPT để chấm bài.

Quý thầy cô vui lòng liên hệ lại Phòng GD&DT huyện Gia Nghĩa để được hỗ trợ phân lớp cho GVCC. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp nhận thông tin và chuyển về cho cán bộ đầu mối Viettel tại Đắk Nông để phối hợp cùng Phòng GDĐT huyện Gia Nghĩa hỗ trợ quý thầy cô được nhanh chóng.

Tôi là giáo viên cốt cán, tôi chưa biết làm thế nào để vào Hệ thống LMS để hỗ trợ đồng nghiệp? Tôi phải bắt đầu từ đâu?

Chúng tôi kiểm tra trên hệ thống, tài khoản GVCC của quý thầy cô đã được phân lớp để tham gia hỗ trợ đồng nghiệp, quý thầy cô vui lòng đăng nhập hệ thống, vào tab "Hỗ trợ đồng nghiệp" bấm chọn mục "Chấm bài luận"

Thông tin bao gồm:

- Chọn lớp bạn muốn chấm

- Chọn bài luận để chấm

- Chọn học viên để chấm

+ Có thể lọc những bài chưa chấm: hệ thống chỉ hiển thị những bài luận chưachấm ở bảng bên dưới

+ Click vào icon để chấm bài luận của học viên

Tôi vào hệ thống LMS để học nhưng không vào được, có thể cho tôi biết lý do?

Chúng tôi kiểm tra trên hệ thống tài khoản Phạm Minh Thắng với địa chỉ email thì thấy quý thầy chưa có tên trong danh sách chỉ tiêu đào tạo. Quý thầy cô vui lòng liên hệ với thầy/cô đang giữ tài khoản Admin đơn vị mình đang công tác để được hỗ trợ thêm vào danh sách học viên dự trù (Trong mục chỉ tiêu đào tạo) để mình được xếp lớp và có chương trình tập huấn.

Sau khi thêm vào danh sách học viên dự trù thành công, quý thầy cô vui lòng đăng nhập lại tài khoản cá nhân vào hệ thống làm theo hướng dẫn như hình dưới đây, chọn tab "Học Tập", mục "Đăng ký môn", bấm chọn ô "Tìm & xếp lớp tự động" sau đó "Xác nhận" để hệ thống tự động xếp lớp và có chương trình học.

Tôi chuyển công tác sang trường khác thì làm thế nào để vào được Hệ thống để học các mô đun?

Trường hợp giáo viên chuyển đơn vị công tác, quý thầy cô vui lòng cung cấp đầy đủ thông tin tài khoản cá nhân của giáo viên theo mẫu:

+ Họ và tên

+ Email

+ Thông tin đơn vị cũ (tên, cấp, địa chỉ)

+ Thông tin đơn vị mới chuyển về: (tên trường, cấp, địa chỉ, ghi rõ quận huyện tỉnh thành)